Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử Xã Thượng Ninh - Huyện Như Xuân - Tỉnh Thanh Hoá.                     Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới !                    Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển !                   Phát triển Kinh tế - Xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển Văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm Quốc phòng, An ninh là trọng yếu, thường xuyên ! 


Biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật

Đăng lúc: 08:47:39 08/11/2023 (GMT+7)
100%
Print

Thực hiện Công văn số 2419/UBND-NN&PTNT ngày 04 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân huyện Như Xuân về tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn huyện. Trang thông tin điện tử xã Thượng Ninh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật, đến bạn đọc.

         20191126_022615_699128_cho-dai-2.max-1800x1800.jpg
Ảnh nguồn Internet

          1. Bệnh dại là gì?

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật.

Bệnh do một loài virus hướng thần kinh gây ra, thường gây tác hại thần kinh, bắt nguồn từ não và tủy sống. Vật bị bệnh thường điên cuồng hay bại liệt rồi chết. Ở nước ta, nguồn bệnh dại chủ yếu là từ chó, mèo.
        Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%. Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.

2. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh:

- Nguồn bệnh: Ở nước ta, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm đến hơn 90%, sau  đó là mèo nhà.

- Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua vết cắn, vết cào, vết liếm, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.

- Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn. Sau khi bị chó, mèo mắt bệnh dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 01 - 03 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Triệu chứng:

Bệnh dại thường chia làm 2 thể: Thể dại điên cuồng và thể bại liệt.

3. Biểu hiện của bệnh dại trên người:

Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến trên 1 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và số lượng virus được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có 2 thể bệnh lâm sàng là thể:

- Thể điên cuồng (hung dữ): thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản...

- Thể bại liệt: bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong sau 7 -10 ngày.

cyan-and-purple-illustrative-social-media-marketing-infographic638313627576462358.jpg


4. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

5. Cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn :

          Khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng, phải coi đó là trường hợp cấp cứu.  

+ Cần Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để sát khuẩn, làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. 

+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%.

+ Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

+ Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

+ Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền.

+ Đối với chó nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.

+ Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

         - Khi bị chó, mèo cắn phải khẩn trương đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả và quan trọng để phòng chống bệnh dại. 

09-chocan.jpg


Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa. Vì vậy, những gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi chó, mèo, vì trẻ em thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải, đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.
        Các hộ gia đình cần nghiêm túc chấp hành việc tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo để tạo hệ miễn dịch chủ động cho đàn chó, mèo và ngăn ngừa sự xâm nhập của bệnh dại vào đàn vật nuôi; Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bị bệnh dại hoặc nghi ngờ bị bệnh dại, cần báo ngay cho Chính quyền địa phương, để có biện pháp xử lý kịp thời.

 
"Để phòng chống bệnh dại, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không thả rông chó mèo và thực hiện nghiêm việc tiêm vac - xin phòng bệnh dại cho chó, mèo để đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng".

Nguồn tin: Sưu tầm

Bùi Hồng Kính - vhtt


Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289